Đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh là tình trạng phổ biến thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Bệnh lý này thường là lành tính nhưng cha mẹ cần phải nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn biến chứng nguy hiểm xảy ra. Dấu hiệu nhận biết đau mắt đỏ, nguyên nhân gây bệnh cũng như cách chữa trị hiệu quả cho bé sẽ có đầy đủ trong bài viết dưới đây!
Contents
1. Dấu hiệu nào cho biết bệnh đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh
Đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh cũng giống như ở mọi người, bệnh sẽ gây cho bé cảm giác khó chịu ở mắt. Bé 5 tháng, 7 tháng, 8 tháng hay bé 9 tháng bị đau mắt đỏ cũng đều có một số dấu hiệu đặc trưng như sau:
1.1. Mắt trẻ bị đỏ
Mắt bị nổi gân máu đỏ bất thường chính là dấu hiệu quan trọng đầu tiên để xác định bệnh. Lúc này lòng trắng ở mắt trẻ sẽ chuyển dần từ màu trắng sang màu đỏ hay màu hồng. Đây là lúc các mạch máu nhỏ nằm trên bề mặt của mắt phản ứng viêm. Đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh thông thường sẽ xuất hiện trước ở một bên mắt, sau đó lan dần sang bên còn lại trong vòng từ 24 – 48 tiếng.
Bên trong mí mắt trẻ sơ sinh nổi gân đỏ sẽ thấy màu sắc đỏ bất thường, bạn có thể kiểm tra bằng cách dùng tay đã được vệ sinh sạch sẽ, kéo nhẹ mi mắt bên dưới của trẻ xuống để quan sát.
1.2. Ghèn mắt nhiều và chảy nước
Khi quan sát thấy mắt bị đỏ, lúc này ghèn mắt hay còn được gọi là gỉ mắt cũng sẽ xuất hiện đi kèm. Các chất nhày này thường có màu vàng, màu xanh hoặc màu trắng. Theo thời gian, ghèn mắt sẽ đóng dày lên khắp các góc của mắt trẻ, sau cùng sẽ bao phủ toàn bộ phần bề mặt ngoài của mắt. Gỉ mắt đặc biệt nhiều và bám chặt quanh mắt sau mỗi buổi sáng thức giấc khiến trẻ gặp khó khăn trong việc mở mắt.
1.3. Mắt sưng phù bất thường
Khi bệnh đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh tiến triển đến giai đoạn nặng, lúc này toàn bộ mí mắt và ở xung quanh mắt sẽ bị sưng phù lên. Nếu mắt sưng nhiều sẽ khiến trẻ khó mở mắt. Trẻ lúc này sẽ quấy khóc nhiều vì những triệu chứng khó chịu này xuất hiện ở mắt.
1.4. Một số dấu hiệu nặng ít gặp khác
Đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh chỉ gây ra tình trạng nhiễm trùng ở mắt bé. Bệnh đa phần không gây sốt, mệt mỏi, bỏ ăn, ăn kém hay nhiều dấu hiệu nặng khác. Vì vậy, khi gặp phải một số triệu chứng bất thường như:
- Mắt trẻ đỏ và sưng gia tăng cấp độ nặng theo thời gian.
- Ghèn mắt xuất hiện màu vàng đậm hay màu xanh.
- Trẻ sốt cao, liên tục quấy khóc và bỏ ăn.
- Quan sát thấy màng trong mắt bé.
- Tình trạng đau mắt đỏ ở trẻ không thấy thuyên giảm sau 5 ngày khởi phát bệnh.
Lúc này bạn cần đưa bé đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn, điều trị, hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Xem thêm: Quy trình khám sàng lọc tật khúc xạ
2. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh
Thông thường chúng ta bị đau mắt đỏ có thể bắt nguồn từ việc mắt bị nhiễm trùng hoặc vô tình tiếp xúc với loại hóa chất nào đó gây kích ứng dẫn tới dị ứng mắt và gây ra biến chứng đau mắt đỏ. Và nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh thường do virus, vi khuẩn hoặc bị dị ứng ở mắt.
Đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện ngay từ khi mới sinh ra đời cho đến 2 tuần đầu tiên của cuộc đời. Có rất nhiều nguyên nhân cụ dẫn đến tình trạng bệnh lý này ở trẻ. Và trong đa phần các trường hợp đều do vi khuẩn có trong người mẹ được truyền sang con trong quá trình vượt cạn. Ngoài ra trẻ còn có thể bị đau mắt đỏ do bị kích ứng với một số chất. Cụ thể:
2.1. Do vi khuẩn truyền từ mẹ sang con
Trong quá trình mang thai người mẹ có thể gặp phải tình trạng viêm nhiễm ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể do một số vi khuẩn gây ra. Nếu không được điều trị dứt điểm có thể lây truyền cho trẻ trong quá trình vượt cạn. Chẳng hạn như:
- Vi khuẩn Chlamydia trachomatis: Đây là loại vi khuẩn có thể gây ra tình trạng đau mắt đỏ ở mẹ bầu hoặc gây nhiễm trùng ở bộ phận sinh dục. Chúng rất dễ lây truyền từ mẹ sang con nếu không có phương pháp điều trị dứt điểm. Trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ do Chlamydia gây ra thường bị đỏ mắt, sưng mí đi kèm chảy mủ, triệu chứng rõ rệt ở 5 – 12 ngày đầu sau sinh.
- Vi khuẩn lậu mủ: Bệnh lậu mủ ở bộ phận sinh dục của người mẹ không được điều trị dứt điểm có thể khiến trẻ sinh ra bị đau mắt đỏ. Với loại vi khuẩn này thời gian khởi phát của bệnh sớm hơn, xuất hiện từ 2 – 4 ngày sau sinh. Tương tự với triệu chứng gây ra do vi khuẩn chlamydia, lậu mủ có thể làm xuất hiện mủ dày hơn ở mắt trẻ. Loại vi khuẩn lậu mủ này có thể gây ra biến chứng nhiễm trùng huyết hay viêm màng não rất nguy hiểm.
- Vi khuẩn, virus khác: Một số viêm nhiễm ở người mẹ do vi khuẩn virus khác gây ra có thể khiến trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ như: Các loại vi khuẩn kí sinh ở âm đạo, các loại virus gây mụn rộp sinh học… có thể truyền từ âm đạo vào mắt của bé trong quá trình sinh nở
2. 2. Do kích ứng với các hóa chất khác
Trong quá trình tắm rửa cho bé bạn vô tình để sữa tắm hoặc nước bẩn lọt vào mắt bé, hay khi bạn thoa các loại kem dưỡng da mặt cho bé không may làm kem dính vào mắt. Các hóa chất này lại có thành phần gây kích ứng với mắt trẻ, khiến mắt trẻ bị dị ứng và để lại biến chứng đau mắt đỏ.
Ngoài ra, một số loại thuốc nhỏ mắt chuyên dụng cho trẻ sơ sinh giúp ngăn ngừa nhiễm trùng mắt do vi khuẩn gây ra có chứa các chất kích ứng khiến trẻ bị phản ứng phụ với thuốc. Thông thường ở trường hợp này mắt trẻ chỉ bị đỏ nhẹ và hơi sưng nề.
3. Điều trị đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh như thế nào?
Mắt là bộ phận nhạy cảm nhất cơ thể, vì vậy khi phát hiện các biểu hiện bất thường ở mắt trẻ, bạn tuyệt đối không được tự xử lý y tế tại nhà. Lúc này cần đưa bé đến các cơ sở y tế chuyên nhãn khoa để khám mắt, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp chữa trị phù hợp hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm.
Tùy vào mức độ nghiêm trọng, nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị khác nhau. Cụ thể:
3.1. Điều trị cho trẻ ở giai đoạn nhẹ
Với những trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ khi thăm khám ở giai đoạn nhẹ bác sĩ sẽ chỉ định dùng nước muối sinh lý thông thường để vệ sinh mắt hàng ngày cho bé, loại bỏ bớt các tác nhân gây bệnh. Trẻ có thể được kết hợp sử dụng thêm thuốc nhỏ mắt chuyên dụng hay thuốc mỡ tra mắt giúp giảm triệu chứng khó chịu cho mắt.
Với những trẻ bị đau mắt đỏ do tắc tuyến lệ có thể được bác sĩ hướng dẫn massage nhẹ nhàng cho vùng mắt và vùng mũi. Sau 1 tuổi mà trẻ không hết bệnh có thể được chỉ định can thiệp bằng thủ thuật thông lệ đạo để điều trị dứt điểm.
Còn với bé sơ sinh bị đau mắt đỏ do dị ứng với các thành phần của thuốc phải ngưng dùng thuốc ngay lập tức, đổi sang loại thuốc khác. Rửa sạch mắt bằng nước muối sinh lý, tình trạng bệnh sẽ thuyên giảm dần chỉ sau khoảng 24 – 36 giờ.
3.2. Chỉ định kháng sinh cho trẻ giai đoạn nặng
Với những trẻ đau mắt đỏ ở giai đoạn nặng, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp giữa các loại thuốc nhỏ tại chỗ, thuốc kháng sinh dạng uống. Bé sẽ được dùng thêm thuốc bôi trơn để giúp bảo vệ cho nhãn cầu, giảm bớt sự kích ứng ở mắt.
Trẻ em ở giai đoạn nặng nếu không được chỉ định điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng loét giác mạc, dễ gây ra mù lòa vĩnh viễn.
Ngay khi nghi ngờ trẻ có các dấu hiệu của đau mắt đỏ, cha mẹ cần đưa bé đi thăm khám ngay để có biện pháp điều trị phù hợp, hạn chế biến chứng nguy hiểm xảy ra. Hy vọng bài viết của phòng khám mắt Ngôi Sao sẽ mang lại cho bạn những thông tin hữu ích. Nếu còn vấn đề thắc mắc cần được hỗ trợ, tư vấn thêm bạn hãy để lại bình luận phía dưới nhé!
Xem thêm: Đục thủy tinh thể dưới bao sau: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
PHÒNG KHÁM CHUYÊN KHOA MẮT NGÔI SAO
- Địa chỉ: Số nhà 22 liền kề 6A C17 bộ công an, làng Việt Kiều Châu Âu, Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội. (Đối diện uỷ ban nhân dân phường Mộ Lao, Hà Nội
- Hotline: 024 3201 2895 hoặc 038 5050 055.
- Website: https://matngoisao.vn/
- Facebook: https://www.facebook.com/pkmatNgoiSao