PROJECT DETAILS
- Date 22/04/2021
Chắp, lẹo nguyên nhân và cách điều trị
Chắp và lẹo đều là những “khối u” nổi lên trên hoặc ngay bờ mi mắt. Trong một số trường hợp, ta khó phân biệt rõ giữa 2 loại bệnh này.
Chắp và lẹo là gì?
Chắp và lẹo đều là những “khối u” nổi lên trên hoặc ngay bờ mi mắt. Trong một số trường hợp, ta khó phân biệt rõ giữa 2 loại bệnh này.
Lẹo được tạo thành do sự nhiễm trùng ở các nang lông mi nên thường xuất hiện gần bờ mi, đỏ và đau. Khi lẹo nổi ở bên dưới mi mắt, xa phần bờ mi thì được gọi là lẹo trong.
Chắp được tạo thành do sự tắc nghẽn các ống tuyến tiết nhờn (tuyến Meibomian) của mi mắt. Chắp thường xuất hiện ở xa bờ mi hơn lẹo, nổi to hơn và không gây đau. Bản chất của chắp không liên quan đến sự nhiễm trùng và cũng không phải là ung thư.
Đôi khi, lẹo không điều trị khỏi sẽ chèn vào các ống tuyến của mi mắt và dẫn tới hình thành chắp. Chắp cũng có thể có tình trạng nhiễm trùng thứ phát.
Làm sao để nhận biết chắp và lẹo?
Nhìn chung, các triệu chứng ban đầu của lẹo là cảm giác hơi ngứa, khó chịu và đỏ khu trú ở mi mắt, thường có cảm giác đau khi chớp mắt hoặc khi sờ vào khối lẹo. Về sau, mắt sẽ cộm như có vật gì đó bên trong và xuất hiện một khối u ngay bờ mi với bề mặt đỏ và có chấm mủ ngay giữa. Khoảng 25% trường hợp người bệnh không thấy triệu chứng gì và khối lẹo sẽ dần tự khỏi mà không cần điều trị.
Trong khi đó, diễn tiến của khối chắp thì lại trở nên sưng, đỏ và đôi khi sẽ gây khó chịu dần thêm, khi sờ có cảm giác cứng hơn lẹo, thường ít gây đau. Chắp kích thước lớn tì lên bề mặt nhãn cầu có thể làm mờ mắt. Mi mắt đôi lúc cũng đột ngột bị sưng lên toàn bộ do chắp.
Ai dễ bị chắp và lẹo?
Bất kì ai cũng có thể bị chắp hoặc lẹo, nhưng đặc biệt nếu bạn có tình trạng viêm bờ mi thì bạn sẽ dễ bị hơn.
Ngoài ra, còn có một số yếu tố nguy cơ khác như:
- – Trước đây đã từng bị chắp hoặc lẹo
- – Cơ địa có mụn trứng cá đỏ hay viêm da tiết bã
- – Có những bệnh toàn thân khác, chẳng hạn như đái tháo đường
- – Thường xuyên không tẩy trang sạch vùng mắt
- – Dùng mỹ phẩm cũ hoặc nhiễm bẩn tại vùng mắt
Nguyên nhân gây chắp và lẹo?
Lẹo hình thành từ sự nhiễm trùng ở vùng chân lông mi nên thường tạo cảm giác đau, khó chịu. Do có vị trí xuất hiện đặc trưng như thế nên còn được gọi là lẹo ngoài. Lẹo còn có thể xuất hiện phía trong hoặc bên dưới mi mắt nếu một trong các ống tuyến nhờn (tuyến Meibomian) bị nhiễm trùng. Khi đó, nó được gọi là lẹo trong. Lẹo còn có thể được gây ra bởi sự viêm nhiễm lan rộng từ tình trạng viêm bờ mi sẵn có.
Chắp được tạo nên từ sự tắc nghẽn ống tuyến nhờn của mi mắt nên không gây đau. Nếu lẹo trong được thoát lưu hoặc điều trị khỏi hẳn thì nó có thể chèn ép các tuyến và sẽ tạo nên chắp.
Chắp và lẹo được điều trị như thế nào?
Điều cần nhớ khi bị chắp hoặc lẹo là ta không nên nặn hoặc cố ấn cho vỡ khối phồng đó ra vì nó sẽ làm sự nhiễm trùng càng lan rộng ra mô xung quanh.
Các triệu chứng của chắp và lẹo được điều trị với các phương pháp như sau:
Chườm ấm
Nhúng khăn mặt vào nước nóng và chườm lên mi mắt trong khoảng 10-15 phút, thực hiện 3-5 lần/ngày cho tới khi khối chắp hoặc lẹo tan đi. Bạn nên lặp đi lặp lại động tác nhúng khăn vào nước để giữ cho khăn duy trì được độ ấm cần thiết. Độ ấm của khăn sẽ giúp làm dãn nở các đầu ống tuyến dầu ở bờ mi, từ đó các chất nhầy trắng hoặc vàng sẽ dễ thoát ra hơn. Khi chườm, bạn nên mátxa nhẹ nhàng để việc thoát lưu được dễ dàng hơn.
Tra thuốc kháng sinh dạng mỡ
Nếu khối lẹo không cải thiện dù đã được chườm ấm, bị lẹo tái phát, hoặc khối chắp bị nhiễm trùng thì bác sĩ có thể sẽ cho bạn dùng mỡ kháng sinh tra vào mắt.
Tiêm thuốc kháng viêm steroid
Đôi khi, bác sĩ sẽ tiêm thuốc kháng viêm steroid vào khối chắp để làm giảm sự sưng phồng của nó.
Rạch thoát lưu
Nếu khối chắp hoặc lẹo không đáp ứng điều trị, hoặc khi nó quá to gây chèn ép bề mặt nhãn cầu làm ảnh hưởng thị lực thì bạn sẽ được bác sĩ chích tê và rạch thoát lưu. Thủ thuật này thường được làm tại phòng khám của bác sĩ.
Nhìn chung, chắp và lẹo thường đáp ứng tốt với điều trị mặc dù có một số trường hợp cần phải điều trị bổ sung. Nếu hay bị chắp tái phát tại một vị trí nhất định, bác sĩ nhãn khoa có thể sẽ yêu cầu bạn làm sinh thiết khối chắp (lấy một mẩu mô nhỏ tại khối chắp để khảo sát thêm về tế bào) nhằm loại trừ những vấn đề nghiêm trọng khác.