Việc tự ý dùng kháng sinh trong trị đau mắt đỏ có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm. Vậy đau mắt đỏ khi nào cần dùng thuốc kháng sinh?
Contents
1. Thuốc kháng sinh trị đau mắt đỏ như thế nào?
Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) do vi khuẩn có thể được điều trị hiệu quả bằng các thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh. Thuốc có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, giúp làm giảm các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, nguyên nhân phổ biến gây đau mắt đỏ là virus, hầu hết bệnh do adenovirus gây ra, thường kéo dài 7-10 ngày. Trong trường hợp này, thuốc kháng sinh thường không có tác dụng.
Thuốc kháng sinh không thể tiêu diệt virus gây bệnh, chúng chỉ có hiệu quả trong các trường hợp viêm kết mạc do vi khuẩn hoặc do virus kèm theo bội nhiễm vi khuẩn.
Thuốc kháng sinh trị đau mắt đỏ trong những trường hợp sau:
- Đau mắt đỏ có nguyên nhân do vi khuẩn
- Đau mắt đỏ do nguyên nhân khác nhưng bội nhiễm vi khuẩn
- Đau mắt đỏ không thuyên giảm trong vòng 1 tuần hoặc hơn.
- Các triệu chứng bệnh càng trầm trọng thêm.
- Có tiết dịch mủ hoặc nghi ngờ bội nhiễm do vi khuẩn,…
2. Tìm hiểu những thuốc kháng sinh được sử dụng để trị đau mắt đỏ
- Kháng sinh nhóm fluoroquinolon: Một số thuốc nhỏ mắt nhóm fluoroquinolone thường dùng là ofloxacin 0.3% (oflovid), levofloxacin (cravit 0.5%, 1.5%), ciprofloxacin 0.3% (ciloxan)… Các thuốc này có tác dụng diệt khuẩn phổ rộng (cả gram âm và gram dương), giúp giảm triệu chứng đau mắt đỏ.
- Kháng sinh nhóm aminoglycosid: Một số thuốc nhỏ mắt nhóm aminoglycosid thường dùng là tobramycin (tobrex 0.3%), neomycin (neocin)… Thuốc hoạt động thông qua ức chế sự tổng hợp protein của vi khuẩn, có tác dụng tốt trong trị đau mắt đỏ.
3. Phòng khám mắt Ngôi Sao cảnh báo không nên tự mua thuốc kháng sinh trị đau mắt đỏ
Kháng sinh không phải là loại “vũ khí” phù hợp với tất cả nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ, đặc biệt là những nguyên nhân do virus, dị ứng. Thuốc kháng sinh vốn là thuốc kê đơn nên chỉ dùng theo đơn của bác sĩ. Do đó, nếu tự ý dùng thuốc kháng sinh trị đau mắt đỏ khi chưa có chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa có thể xảy ra tình trạng dùng chưa đúng thuốc, bệnh không khỏi mà còn gặp tác dụng phụ của thuốc.
Một số tác dụng phụ của thuốc kháng sinh như khô mắt, mỏi mắt, tăng áp lực nội nhãn (cườm nước). Không những thế, việc tự ý dùng kháng sinh, lạm dụng kháng sinh còn có thể làm tăng nguy cơ nhờn thuốc, khiến vi khuẩn trở nên kháng kháng sinh.
4. Dùng kháng sinh trị đau mắt đỏ sao cho an toàn nhất?
- Không tự ý dùng thuốc kháng sinh nhỏ mắt khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng, thời gian dùng thuốc.
- Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân (lọ thuốc nhỏ mắt, mắt kính, khăn lau mặt, khẩu trang…), khử trùng các vật dụng trong nhà.
- Nếu chưa thể đi khám bác sĩ ngay, có thể sử dụng nước muối sinh lý (NaCl 0.9%) rửa mắt liên tục để loại trừ mủ và dịch mắt.
- Không dùng tay dụi mắt vì có thể gây kích thích phản ứng viêm mạnh hơn và cũng tạo điều kiện cho việc xâm nhập của virus, vi khuẩn.
- Ngưng đeo kính áp tròng cũng như trang điểm mắt cho đến khi không còn triệu chứng đau mắt đỏ nữa.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay nhanh.
- Hạn chế tiếp xúc gần với người đang bị đau mắt đỏ.
Phòng khám mắt Ngôi Sao cho biết thêm, đau mắt đỏ là bệnh dễ mắc, dễ lây, đa số biểu hiện lành tính. Tỷ lệ nhỏ để lại biến chứng nặng như viêm giác mạc, loét giác mạc, mất thị lực. Hiện chưa có vaccine phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
- Hầu hết trường hợp đau mắt đỏ đều tự khỏi mà không cần nhờ đến sự can thiệp của các loại thuốc. Người bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt.
- Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng, ghèn đổi màu vàng, xanh,…) để phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.
Hai loại thuốc nêu trên là kháng sinh, không có tác dụng với bệnh đau mắt đỏ có nguyên nhân do virus. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh như Ofloxacin, Levofloxacin, Ciprofloxacin, Neomycin,… đều có thể sử dụng cho bệnh đau mắt đỏ trong trường hợp nghi bội nhiễm. Tốt nhất bệnh nhân nên đi thăm khám tại các cơ sở điều trị về nhãn khoa để được thăm khám, tư vấn và sử dụng thuốc hợp lý. Việc tự ý sử dụng thuốc có thể làm bệnh trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến kết quả điều trị sau này.
=> XEM THÊM: Làm gì để bảo vệ đôi mắt trước không khí ngày càng ô nhiễm?
PHÒNG KHÁM CHUYÊN KHOA MẮT NGÔI SAO
- Địa chỉ: Số nhà 22 liền kề 6A C17 bộ công an, làng Việt Kiều Châu Âu, Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội. (Đối diện uỷ ban nhân dân phường Mộ Lao, Hà Nội
- Hotline: 038 5050 055.
- Website: https://matngoisao.vn/
- Facebook: https://www.facebook.com/pkmatNgoiSao